LẨU VỊT NẤU CHAO
17 - 04 -2020Một chút cay cay, thơm, ngọt trong lẩu với mùi chao rất đặc trưng, vịt nấu chao chắc chắn sẽ làm hài lòng những ai thưởng thức.
Thịt vịt vốn hôi vì thế, để món lẩu luôn tươi ngon, thơm nức, thì khi sơ chế, chị em cần để ý khẩu khử mùi vịt đi nhé. Gừng và rượu trắng là 2 khắc tinh của vịt. Khi làm, chỉ cần bóp vịt thật kỹ với gừng giã nhuyễn hoặc xát với rượu, mùi hôi sẽ không còn.
Nhưng nếu không có sẵn 2 thứ này thì có một cách đơn giản hơn và cũng rẻ tiền hơn để khử mùi khó chịu của vịt đó là sử dụng muối và giấm. Chị em hãy hòa một lượng kha khá hai thứ này với nhau, xát thật kỹ cả bên trong và bên ngoài con vịt nhiều lần, khi ăn sẽ không còn mùi hôi.
Thịt vịt đực ít mỡ hơn vịt cái. Không nên chọn vịt quá non, sẽ mất nhiều thời gian nhổ lông, mùi lại nặng, còn vịt quá già thì thịt cứng, hầm lâu sẽ mất hết vị ngọt. Vịt ngon là con mọc lông dày, ức tròn, bụng căng, không xệ xuống. Vịt bụng xệ chứng tỏ đã đẻ quá nhiều lứa, ăn sẽ không ngon chị em nhé!
Làm món lẩu vịt nấu chao không khó, chị em có thể tham khảo cách làm dưới đây:
Nguyên liệu:
– 1 con vịt tơ (1,7 kg), làm sạch, chặt miếng
– 4 viên chao trắng
– 3 viên chao đỏ
– 500 g khoai cao, gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn, chiên vàng
– 1 bó rau muống nhặt bỏ lá, lấy cọng non
– Hành tỏi, băm nhỏ
– Dầu hào, dầu mè
– Nước dừa tươi
– Muối, tiêu, đường
Thưởng thức món lẩu vịt nấu chao trong thời tiết lạnh lẽo như thế này thật thích (Ảnh: Internet)
Cách làm:
– Ướp thịt vịt với muối, tiêu, đường, hành tỏi băm, dầu hào, dầu mè và chao tán nhuyễn.
– Để ngấm gia vị khoảng 30 phút.
– Phi tỏi thơm, cho vịt vào xào săn lại. Cho nước dừa, hầm thịt mềm.
– Tiếp tục cho khoai cao vào, nêm lại gia vị vừa miệng. Đun cho đến khi nước trong nồi sánh lại.
– Cho thức ăn ra lẩu hoặc nồi đất, đun lửa liu riu (để giữ nóng).
– Dùng kèm với bún tươi hoặc bánh mì, rau muống và chao
– Có thể thay khoai cao bằng khoai môn. Nên chọn vịt con to khoảng 2kg trở lên, vịt nhỏ thường hay bị hôi lông nên không ngon.